Hướng dẫn bảo trì, bảo dưỡng quạt hướng trục

Tran Ai 19/06/2023

      Mọi thiết bị sau một thời gian sử dụng đều cần phải bảo trì, bảo dưỡng để đảm bảo sự hoạt động ổn định, hiệu quả. Đặc biệt là các thiết bị công nghiệp, khi phải hoạt động liên tục trong thời gian dài. Dưới đây là hướng dẫn bảo trì, bảo dưỡng quạt hướng trục công nghiệp tại System Fan.

Bảo dưỡng quạt hướng trục

01| Tại sao cần bảo trì, bảo dưỡng quạt hướng trục?

Sau một thời gian sử dụng, thiết bị sẽ gặp những vấn đề ví dụ như sau: 

 » Nóng lên sau một thời gian sử dụng

 » Hoạt động kém hiệu quả hơn

 » Hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao, môi trường khắc nghiệt khiến cho các chi tiết bị ăn mòn, bám bụi bẩn nhiều. 

 » Tích tụ quá nhiều bụi bẩn, tắc nghẽn, giảm hiệu quả hoạt động

 » Các mối nối, bu lông, ốc vít bị nới lỏng. Gây ra sự rung lắc, quạt hoạt động có tiếng ồn lớn.... 

 

Việc kịp thời bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, thay thế những bộ phận có dấu hiệu ăn mòn, hỏng hóc... Giúp ngăn chặn các sự cố có thể xảy ra sau này cũng như gia tăng hiệu quả hoạt động cho quạt, kéo dài tuổi thọ cho quạt hướng trục. 

Như vậy, việc bảo dưỡng quạt hướng trục là vô cùng cần thiết. 

02| Hướng dẫn bảo dưỡng quạt hướng trục

Trước tiên, người kỹ thuật cần đảm bảo quạt đã được rút ra khỏi nguồn điện.

 » Kiểm tra sự bôi trơn của vòng bi, động cơ: Bảo đảm nhiệt độ không tăng quá mức cho phép (dưới 70độ C). Kiểm tra lượng dầu mỡ bôi trơn xem còn đủ theo thiết kế ban đầu hay không. Nếu không, cần bổ sung đủ.

 » Kiểm tra van điều chỉnh lưu lượng: Điều chỉnh về mức độ tin cậy. Kiểm tra guồng cánh, vỏ quạt, bu lông, ốc vít… trên toàn bộ quạt xem có chắc chắn hay không. Vặn lại sao cho chắc chắn, tránh bị trôi lỏng.

 » Sau một thời gian sử dụng, một số bộ phận quạt hướng trục có thể bị nứt gãy, ăn mòn, hư hỏng… Do đó, trong quá trình bảo trì, người kĩ thuật kiểm tra kỹ càng. Nếu phát hiện thấy hỏng hóc, cần khắc phục hoặc thay thế.

03| Hướng dẫn vệ sinh quạt hướng trục

      Trong quá trình bảo dưỡng, bảo trì người kỹ thuật kết hợp việc vệ sinh các chi tiết của quạt. Điều này giúp cho quạt sạch sẽ, hạn chế bụi bẩn bám vào quạt làm giảm hiệu suất hoạt động của quạt.

Chuẩn bị:

      Để vệ sinh quạt, chuẩn bị dung dịch vệ sinh chuyên dụng. Nếu không có, có thể sử dụng nước rửa chén pha loãng để vệ sinh quạt. Chuẩn bị khăn, dẻ sạch.

Thực hiện:

      Nếu quạt hoạt động ở khu vực có nhiều bụi bẩn, nên sử dụng khăn khô hoặc chổi khô để loại bỏ bụi bẩn trước khi sử dụng dung dịch vệ sinh quạt.

 » Sử dụng khăn nhúng vào dung dịch đã chuẩn bị. Lưu ý: không nên để khăn quá ướt. Lau sạch sẽ các bộ phận, chi tiết của quạt từ ngoài vào trong: từ vỏ quạt, cánh quạt…

 » Lưu ý: Tránh để nước rơi vào động cơ của quạt. Tại vị trí động cơ, chỉ dùng khăn khô hoặc dùng chổi để quét đi bụi bẩn.

 » Các vị trí khe khó vệ sinh, có thể sử dụng que dài để tiện cho việc vệ sinh.

      Sau khi vệ sinh sạch sẽ các chi tiết, sử dụng máy thổi/ máy sấy để giúp quạt khô nhanh hơn. Nếu không, có thể để cho các chi tiết, bộ phận quạt tự khô sau đó mới lắp lại như ban đầu.

Hướng dẫn chi tiết tại video sau đây: 

04| Hướng dẫn bảo trì các chi tiết

4.1. Bảo trì động cơ

      Việc bảo trì động cơ quạt hướng trục gồm công đoạn làm sạch và bôi trơn.

Chi tiết như sau:

      Làm sạch bề ngoài động cơ: Sử dụng chổi nhỏ quét đi bụi bẩn, dầu mỡ thừa có trên vỏ động cơ. Lưu ý: tránh để nước rơi ướt vào động cơ, có thể làm chập cháy động cơ. Không rửa động cơ bằng vòi phun áp lực cao.

      Mỗi loại động cơ sử dụng mỡ bôi trơn khác nhau theo nhà sản xuất động cơ. Do vậy, khi sử dụng mỡ bôi trơn, người kỹ thuật nên sử dụng loại mỡ bôi trơn theo sự khuyến nghị của nhà sản xuất.

      Nếu quạt hoạt động trong môi trường có nhiệt độ cao hơn 40 độ C, nên thay thế mỡ sau 2000 giờ vận hành. Nhiều loại động cơ nhỏ được bôi trơn vĩnh viễn mà không cần bôi trơn lại sau đó.

4.2. Bảo trì vòng bi và gối trục quạt

a. Bảo trì cho gối trục bôi trơn ngâm dầu

      Các vòng bi của gối được ngâm trong bể chứa dầu với độ ngập của vòng bi khoảng 1/3 đường kính của vòng bi. Khi dầu chứa trong bể phải đảm bảo mức tối thiểu sao cho viên bi dưới cùng vẫn được ngâm trong dầu. Mức dầu trong bể có thể được kiểm tra bởi các thước và mắt chỉ mức. Khi thấy gối đỡ quạt thường xuyên có hiện tượng rỉ dầu thì càng cần phải chú ý bổ sung cho vừa đủ.

      Phải đảm bảo lỗ thông khí của gối luôn thông, thường xuyên kiểm tra phớt, xiết lại bulong giữ phớt ở hai đầu gối đỡ nhằm tránh hiện tượng rò rỉ.

      Thời gian thay dầu phụ thuộc vào tính chất của dầu bôi trơn, nếu không có các chỉ dẫn của hãng dầu và dụng cụ kiểm tra độ nhớt của dầu thì có thể áp dụng là từ 300- 500 giờ chạy máy lần đầu và từ 2000 giờ đến 5000 giờ cho các lần tiếp theo.

b. Bảo trì cho gối trục bôi trơn bằng mỡ

      Mỡ bôi trơn được dự trữ trong vỏ gối và tự động bôi trơn vào vòng bi khi quạt làm việc, khi bổ sung mỡ khách hàng cần chú ý không bơm đầy chặt mỡ vào vỏ gối mà phải để một khoảng trống bằng 1/3 thể tích của buồng chứa mỡ.

- Thời gian bổ sung mỡ bôi trơn thường xuyên là từ 3 đến 7 ngày làm việc tùy theo điều kiện về nhiệt độ môi trường.

- Thời gian bảo dưỡng thay toàn bộ mỡ bôi trơn là sau 6 tháng làm việc hoặc sau 12 tháng lưu kho không chạy quạt.

c. Bảo trì gối trục bôi trơn ngâm dầu và làm mát bằng nước

      Đối với các quạt làm việc ở nhiệt độ cao ≥ 200 độ C, thì phải thiết kế đường nước cấp cho gối để làm mát dầu và làm mát vòng bi. Tương tự như kiểu gối trên nhưng dầu bôi trơn được làm mát bằng nước chứa hoặc lưu thông trong vỏ gối. Khi đó khách hàng cần chú trọng tới việc cấp nước làm mát cho gối đỡ, nước làm mát cho gối phải tránh được việc đóng cặn trong gối sẽ làm giảm hiệu quả làm mát và thậm chí có thể dẫn đến làm tắc sự lưu thông của nước.

bảo dưỡng gối trục

4.3. Bảo trì vòng bi và gối trục quạt

      Nối trục được lắp vào các quạt có kiểu truyền động gián tiếp nhưng tốc độ động cơ luôn bằng tốc
độ của guồng cánh quạt.
      Kiểm tra độ đồng tâm giữa trục chủ động và trục bị động. Điều chỉnh ngay khi phát hiện sự không đồng tâm.
      Trong quá trình vận hành, nếu có sai lệch và hư hỏng về nối trục, khách hàng có thể tiến hành tự
thay thế các đệm cao su đàn hồi, khi tháo lắp nối trục để kiểm tra sửa chữa cần tiến hành đánh dấu vị trí của các bu lông, gối trục, động cơ liên quan để sao cho khi lắp lại được đúng như vị trí ban đầu.

4.4. Bảo trì bộ truyền đai

a. Hướng dẫn lắp đặt bộ truyền đai

      Đối với các quạt truyền động gián tiếp, tốc độ làm việc bằng hoặc  khác với tốc độ của động cơ thì bộ truyền đai của nó đã được System Fan tính toán thiết kế và lắp đặt phù hợp tối ưu cho quạt đủ vận hành trong điều kiện làm việc theo thiết kế, vì vậy nó cần được lắp và hiệu chỉnh đúng.

Các thao tác lắp đặt bộ truyền đai:

- Nới lỏng toàn bộ bu lông giữ đế động cơ và các bu lông điều chỉnh tăng đai, chuyển dịch động cơ về phía trục quạt đảm bảo đến khoảng cách gần nhất

- Lần lượt lắp các dây đai vào puly

- Từ từ điều chỉnh căng đai đến mức cần thiết, kiểm tra độ sai lệch vị trí của các puly và xiết chặt bu lông giữ động cơ, sau đó khóa chặt các vít điều chỉnh.

Chú ý khi lắp đặt bộ truyền đai

b. Bảo dưỡng bộ truyền đai

      Sau một thời gian làm việc, bộ truyền dây đai sẽ bị dãn dài hoặc sai lệch vị trí làm cho quạt hoạt động kém hiệu quả. Đây là đặc tính thông thường đối với bất kỳ bộ truyền đai nào. Vì vậy, cần phải kiểm tra bộ truyền đai thường xuyên và căng lại dây đai đến mức phù hợp.

      Vệ sinh các bánh đai sạch sẽ, tránh bụi bẩn hoặc dầu mỡ bám vào sẽ làm bộ truyền đai nhanh chóng bị xuống cấp. Bánh đai nhanh chóng bị mòn và dây đai có thể bị xơ đứt.

      Độ chùng của dây đai phù hợp được chấp nhận.

Bộ truyền đai